Tác giả: Yên Tử Cư Sĩ - Trích đặc san KBC 25 do Tú Quỳnh xuất bảnLời BĐQVN: Trần Đại Sỹ là một bác sĩ nhưng ông thường được biết nhiều qua những bài viết với bút hiệu Yên Tử Cư Sĩ. Ông cũng giỏi về Tử Vi. Bài của ông thường được đăng trong Văn Nghệ Tiền Phong là một trong những tờ báo nổi tiếng đứng đắn tại hải ngoại. Trang BĐQVN trích đăng bài này từ KBC số 25, nhưng chúng tôi cũng không quên cám ơn Yên Tử Cư Sĩ đã ghi lại những trang sử hào hùng của dân tộc. Chúng tôi cũng ước mong có dịp được đọc Ngũ Hổ U Minh Thượng để xem toàn bộ những cái hào khí của người lính Mũ Nâu. Những chiến sĩ thật sự của Rừng Núi Sình Lầy tại miền Tây.
Nguyễn Phương Hùng Lưu bút
Vài Nét Về Một Anh Hùng: Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn
Yên Tử Cư SĩĐại Tá Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24 tháng 3 năm 1938 tại Cần Thơ. Thân phụ ông là một hạ sĩ quan trong quân đội QGVN. Thuở nhỏ ông rất khỏe mạnh, không hề bị bệnh tật gì. Năm 10 tuổi ông bị bệnh quai bị, cả hai bên. Tính tình hiền hậu, giản dị, trầm tư, ít nói. Khi ông bắt đầu đi học (1945), thì chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ, nên sự học bị gián đoạn. Mãi đến năm 1947 ông mới đi học lại. Ông học không lấy gì làm giỏi cho lắm, thường thì chỉ đứng trung bình trong lớp. Năm 1951, phụ thân nộp đơn xin cho ông nhập học trường Thiếu Sinh Quân (TSQ).
Thời điểm này, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có 7 trường TSQ, phân phối như sau:
- Trường TSQ đệ nhất quân khu, ở Gia Định.
- Trường TSQ đệ nhị quân khu, ở Huế.
- Trường TSQ đệ tam quân khu, ở Hà Nội.
- Trường TSQ Móng cáy dành cho sắc dân Nùng.
- Trường TSQ đệ tứ quân khu, ở Ban Mê Thuộc.
- Trường TSQ Đà Lạt của quân đội Pháp.
- Trường TSQ Đông Dương của quân đội Pháp ở Vũng Tầu.
Hồ Ngọc Cẩn được thu nhận vào lớp nhì trường TSQ đệ nhất quân khu niên khóa 1951 - 1952. Trường này dạy theo chương trình Pháp. Ông đỗ tiểu học năm 1952. Cuối năm 1952, trường TSQ đệ nhất quân khu di chuyển từ Gia Định về Mỹ Tho.
Khi hiệp định Genève ký ngày 20-7-1954, thì ngày 19-8-1954, trường TSQ đệ tam quân khu di chuyển từ Hà Nội vào, sát nhập với trường TSQ đệ nhất quân khu ở Mỹ Tho. Niên học 1954 - 1955, trường TSQ đệ nhất quân khu bắt đầu dạy chương trình Việt và chỉ mở tới lớp đệ ngũ. Hồ Ngọc Cẩn học lớp đệ Lục A, giáo sư dậy Việt văn là ông Nguyễn Hữu Hùng (1), từ Bắc di cư vào. Thực là một điều lạ, là giữa một số bạn học chương trình Việt từ Bắc vào, mà Hồ Ngọc Cẩn lại tỏ ra xuất sắc về môn Việt Văn. Trong năm học, có 9 kỳ luận văn, thì bài của Cẩn được tuyển chọn là bài xuất sắc, đọc cho cả lớp nghe 7 kỳ. Nhưng bài của Cẩn chỉ đứng thứ nhì trong lớp mà thôi. Năm này Cẩn bắt đầu làm thơ. Thơ của Cẩn không có hùng khí, đa số những bài thơ này cực kỳ lãng mạn.
Hết năm học, Cẩn đã 17 tuổi. Theo học quy của trường TSQ, thì khi một học sinh 17 tuổi, mà chưa học hết đệ Ngũ, sẽ được gửi đi học chuyên môn. Còn như 17 tuổi, mà học hết lớp đệ Ngũ, lại tỏ ra xuất sắc thì được giử lại học đệ Tứ, rồi... cho học lên cao nữa. Niên khóa 1955 - 1956, Hồ Ngọc Cẩn được gửi lên học tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, về vũ khí. Sau ba tháng, Cẩn đậu chứng chỉ chuyên môn về vũ khí bậc nhất với hạng ưu. Sáu tháng sau đó, Cẩn lại đậu chứng chỉ bậc nhì, và bắt đầu đăng vào quân đội với cấp bậc binh Nhì.
Quy chế dành cho TSQ Việt Nam thời ấy là quy chế dành cho các TSQ Pháp trong thời bình. Một học sinh ra trường, thì 3 tháng đầu với cấp bậc binh Nhì, 3 tháng sau với cấp bậc Hạ sĩ, và 3 tháng sau nữa thăng Trung sĩ. Chín tháng sau Cẩn là Trung sĩ huấn luyện viên về vũ khí.
Chiến tranh taị miền Nam Việt Nam tái phát vào năm 1960 tại một vài vùng. Sang năm 1962 thì lan rộng. Để giải quyết nhu cầu thiếu sĩ quan, Bộ Quốc phòng cho mở các khóa Sĩ quan đặc biệt. Được nhập học trường này, tất cả các Hạ sĩ quan có trên 5 năm công vụ, có bằng Trung học Đệ nhất cấp. Với sự nâng đỡ đặc biệt của Đại tướng Lê Văn Tỵ Tổng Tham Mưu Trưởng, nguyên là một cựu TSQ, các Hạ sĩ quan xuất thân từ trường TSQ, không cần hội đủ trình độ học vấn, cũng như thâm niên công vụ, đều được nhập học.
Nào ai ngờ sự nâng đỡ đặc biệt này đã cung cấp cho đất nước Việt Nam không biết bao nhiêu sĩ quan gương mẫu và anh hùng trên chiến trường.
Hồ Ngọc Cẩn tôt nghiệp khóa 2 (?) Sĩ quan đặc biệt với cấp bậc Chuẩn Úy. Dường như có một mật lệnh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm hay Đại Tướng Lê Văn Tỵ, các tân Chuẩn Úy, xuất thân từ các trường TSQ, đều được đưa về phục vụ tại các binh chủng: Dù, TQLC, BĐQ, Quân Báo, An Ninh Quân Đội và Lực Lượng Đặc Biệt.
Sau khi ra trường, Hồ Ngọc Cẩn theo một khóa huấn luyện BĐQ, rồi thuyên chuyển về phục vụ tại khu 42 chiến thuật, với chức vụ khiêm tốn là Trung đội trưởng. Lãnh thổ khu này gồm các tỉnh Cần Thơ (Phong Dinh), Chương Thiện, Sóc Trăng (Ba Xuyên), Bạc Liêu, Cà Mau (An Xuyên). Về sau, vì tình hình chiến tranh thay đổi, quân cộng sản từ du kích chiến chuyển sang đánh cấp tiểu đoàn và trung đoàn, các đại đội BĐQ cũng phải kết hợp thành tiểu đoàn. Các đại đội BĐQ của khu 42 chiến thuật kết thành hai tiểu đoàn. Tiểu đoàn mang số 42, đơn vị mà Cẩn phục vụ, được tặng mỹ danh là tiểu đoàn Cọp Ba Đầu Rằn. Tiểu đoàn mang số 44 được tặng mỹ danh là Cọp Xám U Minh Hạ.
Tôi đã gặp Hồ Ngọc Cẩn bao giờ? Ở đâu? Tại đâu? Câu chuyện như thế này:
Năm 1968, khi đọc trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Đại Nam Nhất Thống Chí viết về "Ngụy Tây Sơn", có rất nhiều nghi vấn trong những trận đánh giữa vua Quang Trung, với vua Gia Long tại rừng U minh, tôi nảy ra ý xuống tận cùng của đất nước này tìm hiểu thêm. Bấy giờ đang xảy ra vụ biến động miền Trung "các thầy mang bàn thờ xuống đường", chiến cuộc tại miền Tây cực kỳ sôi động, mẹ tôi, bà má má (vú nuôi) cực lực phản đối, vì đi như vậy dễ tiêu diêu miền cực lạc lắm. Nhưng bố tôi, sau khi tính số tử vi của tôi, cụ lại khuyên tôi nên đi. Cụ nói "Con đi lần này sẽ có nhiều bạn tốt, hơn nữa có dịp biết về vùng đồng lầy Cà Mau". Tôi nhất quyết đi, bà má má tôi khóc khốn khổ, nhung cũng không cản được cái tính phiêu lưu và mê sưu tầm của tôi.
Nhưng làm thế nào để có thể được vào tât cả những làng, những xã mà không gặp trở ngại? Làm sao có phương tiện di chuyển? Chỉ một cú điện thoại, ông bố tôi đã kiếm cho tôi caí giấy giới thiệu của tuần báo trung lập lớn nhất ở Paris. Bà má má kiếm cho tôi giấy giới thiệu của tờ nhật báo Hoa Văn tại Hương cảng. Thế là tôi bỗng trở thành ký giả bất đắc dĩ. Tôi đến Bộ Tư Lệnh MACV xin giúp phương tiện làm phóng sự chiến trường ở vùng 4 chiến thuật. Tôi chỉ mong tìm hiểu lịch sử, chứ nào có chủ tâm làm ký giả!
Nhưng sau chuyến đi ấy, quá xúc động vì cuộc chiến tranh thê thảm, tôi đã viết rất nhiều bài ký sự chiến trường, đăng trên một số báo ngoại quốc. Khởi đầu, uất hận trước cái chết của một cô bạn gái tên Đặng Thị Tuyết, mới hai mươi tuổi, làm nữ cán bộ Xây Dựng Nông Thôn tại kinh Tắc Vân, Cà Mau, tôi viết bài "Giang Biên Hoa Lạc" gây xúc động cho độc giả Hương Cảng và giới Hoa kiều tại VN. Sau đó tôi dịch bài sang tiếng Việt với tên là "Hoa rơi bên bờ kinh Tắc Vân". Tôi gửi bài này dự thi giải ký sự chiến trường của Cục Tâm Lý Chiến năm 1967. Bài của tôi được giải nhì. Giải nhất về Trang Châu cũng là bài ký sự của Y sĩ tiền tuyến. Một trong các giám khảo nói với tôi "Về nội dung, bài của cháu với Trang Châu cùng nói lên niềm mơ ước của tuổi trẻ quên mình cho quê hương. Nhưng bài của Trang Châu trung thực, còn bài của cháu ướt át quá, dù rằng đó là sự thực".
Sau đây, tôi xin trích nguyên văn một đoạn tôi viết về Hồ Ngọc Cẩn, trong bài "Ngũ Hỗ U Minh Thượng", kể chuyện năm tiểu đoàn trưởng nổi danh can đảm, có máu văn nghệ, nhất là phong lưu tiêu sái, tại chiến trường cực Nam năm 1966. Ngũ Hổ Là:
- Đại Úy Hồ Ngọc Cẩn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1/33.
- Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 42 BĐQ.
- Thiếu Tá Nguyễn Văn Huy, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 44 BĐQ.
- Thiếu Tá Lê Văn Hưng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2/31.
- Đại Úy Vương Văn Trổ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3/33 (2).
Ngày 19 tháng 4 năm 1966, tôi tới phi trường Vĩnh Lợi bằng phi cơ Caribu của quân đội Hoa Kỳ. Người đón tôi là Thiếu tá Raider của cố vấn đoàn 42. Tại bản doanh của cố vấn đoàn 42, Đại tá Cố vấn trưởng Hathaway không biết gì về chủ đích chuyến đi của tôi. Ông chỉ căn cứ vào giới giới thiệu do hai chủ báo cấp, mà đoán rằng tôi là tên thầy thuốc trẻ, thích phiêu lưu, nên đi làm ký giả. Ông cho tôi biết tình hình địch rất chi tiết. Về tình hình quân đội VN tại năm tỉnh tận cùng của đất nước, ông nói: "Khu 42 chiến thuật, do Sư đoàn 21, thuộc Quân đoàn 4 trấn nhậm. Sư đoàn có 3 Trung đoàn mang số 31, 32, 33. Trung đoàn 31 đóng tại Chương Thiện. Trung đoàn 32 đóng tại Cà Mâu. Trung đoàn 33 đóng tại Ba Xuyên. Ngoài ra còn có 2 tiểu đoàn BĐQ mang số 42 đóng tại Bạc Liêu, tiểu đoàn 44 đóng tại Ba Xuyên".
Ông ca tụng quân đội Việt Nam như sau: "Lương bổng cho người lính VN chỉ gọi là tạm đủ ăn. Doanh trại không có, trang bị thiếu thốn. Nhưng họ chiến đấu như đoàn sư tử. Tuy vậy vẫn có những điều đáng phàn nàn. Ông là thầy thuốc cầm bút, xin ông lướt qua những cái đó... "
Bốn hôm sau, có cuộc hành quân cấp sư đoàn. Tôi được gửi theo tiểu đoàn 42 BĐQ. Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu đoàn phó là Trung úy Hồ Ngọc Cẩn. Cái tréo cẳng ngỗng là đối với Cố vấn Mỹ thì tôi là ký giả. Còn Kiệt với Cẩn lại tưởng tôi là bác sĩ tình nguyện ra mặt trận. Tiểu đoàn được đặt làm trừ bị tại phi trường Vĩnh Lợi từ 7 giờ sáng, chuẩn bị nhẩy trực thăng vận. Nếu khi nhẩy, thì tiểu đoàn sẽ nhẩy làm hai cánh. Cánh thứ nhất gồm đại đội 1, 2 do Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy. Cánh thứ nhì gồm đại đội 3 và đại đội chỉ huy, do Thiếu tá Lưu Trọng Kiệt chỉ huy. Tôi với Kiệt, Cẩn ngang tuổi nhau. Tôi có máu giang hồ của người tập võ, coi trời bằng vung, nên chúng tôi thân cận nhau dễ dàng. Đại úy Cố vấn tiểu đoàn muốn tôi nhẩy theo bộ chỉ huy. Ông hỏi tôi:
-Lần đầu tiên ra trận ông có sợ không?
Tôi trả lời như những nhân vật lịch sử Việt Nam:
-Tráng sĩ khi ra trận, không chết thì cũng bị thương. Nếu sợ chết thì đừng ra trận.
Cẩn hỏi tôi đã học quân sự chưa?
Tôi đáp:
-Kiến thức quân sự của tôi chỉ bằng phó binh nhì thôi. Nhưng cũng biết bò, biết núp, biết nhảy, biết bắn. Đánh nhau bằng súng thì tôi dở ẹc, nhưng đánh cận chiến thì tôi có hạng, vì tôi là ông thầy dạy võ.
Thông dịch viên dịch cho binh sĩ nghe. Họ khen tôi:
-Ông bác sĩ này ngon thực!
Tôi hỏi Kiệt:
-Trong hai cánh, thì cánh nào có hy vọng đánh nhau nhiều hơn?
Kiệt chỉ Cẩn:
-Cứ nhảy theo thằng này, thì sẽ toại nguyện. Tha hồ hành nghề.
Tiểu đoàn cũng có sĩ quan trợ y. Anh biệt phái cho tôi một y tá cấp Trung sĩ, với đầy đủ thuốc cấp cưú. Trên lưng tôi chỉ có bộ đồ giải phẩu dã chiến. Khoảng 10 giờ thì có lệnh: Một đơn vị ĐPQ chạm địch tại Vĩnh Châu. Địch là tiểu đoàn cơ động Sóc Trăng. Tiểu đoàn phải nhảy trực thăng vận đánh vào hông địch. Địa điểm nhảy là một khu đồng lầy.
Sau khi Kiệt họp các sĩ quan tóm lược vắn tắt nhiệm vụ, tình hình trong 10 phút. Cẩn dẫn tôi ra phi đạo. Hai đại đội đã lên trực thăng tự bao giờ. Chúng tôi cùng leo lên một trực thăng. Hai mươi lăm chiếc trực thăng cùng cất cánh. Trực thăng bay khoảng bẩy phút, thì Cẩn chỉ vào khu làng mạc trước mặt:
-Kià, chỗ chúng mình đáp kìa.
Trực thăng hạ cánh. Thoáng một cái hơn hai trăm người từ trực thăng lao ra. Một cảnh tượng, mà không bao giờ tôi quên: Những người lính dàn ra thành một hàng ngang. Họ núp vào những bờ ruộng, mô đất, tay thủ súng, mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Đó là một làng, lưa thưa mấy ngôi nhà tranh, ẩn hiện dưới những cây dừa xanh tươi. Mặc dù súng trong làng bắn ra, nhưng những người lính ấy vẫn chưa bắn trả. Tôi đưa mắt nhìn một lượt, các sĩ quan người thì nằm, người thì qùy, cũng có người đứng.
Từ lúc nhảy xuống, Cẩn không hề nằm, quỳ mà đứng quan sát trận mình, trận địch. Một là điếc không sợ súng, hai là tin vào số tử vi của mình thọ, tôi cũng đứng.
Hơn mười phút sau, cánh quân thứ nhì đã nhảy xuống trận địa. Trận vừa dàn xong, thì sĩ quan đề lô xin pháo binh nã vào những chỗ có ổ "moọc chê", trung liên, đại liên trong làng. Một lệnh ban ra, hơn bốn trăm con cọp dàn hàng ngang, vừa bắn vừa xung phong vào làng. Trong khi súng trong làng bắn ra, đạn cầy các ụ đất, trúng vào ruộng nước, nước bắn tung tóe.
Hàng quân tới bờ ruộng cuối cùng, cách bìa làng không đầy năm mươi thước, thì súng nhỏ từ trong mới nổ. Cả hàng quân đều nằm dài ra sau cái bờ ruộng. Giữa lúc đó, sĩ quan pháo binh trúng đạn lật ngược. Tôi chạy lại cấp cứu, thì không kịp, viên đạn xuyên qua sọ anh. Thế là pháo binh vô hiệu. Trực thăng võ trang được gọi đến. Cố vấn Mỹ báo về trung tâm hành quân.
Tôi đứng cạnh Cẩn tại một mô đất. Cẩn không trực tiếp cầm máy chỉ huy, mà ra lệnh cho các đại đội, qua hiệu thính viên.
Sau khi trực thăng võ trang nã ba loạt rocket, đại liên, thì lệnh xung phong được truyền ra. Cả tiểu đoàn reo như sóng biển, rồi người rời chỗ nằm lao vào làng. Không đầy mười phút sau, tiếng súng im hẳn.
Bây giờ là lúc tôi hành nghề. Những binh sĩ, tù binh bị thương nặng được băng bó, cầm máu, rồi trực thăng tải về quân y viện. Tôi ngạc nhiên vô cùng, khi thấy những binh sĩ bị thương khá nặng, khi nghe tôi nói rằng: Nếu họ muốn, tôi có thể gắp đạn, may các vết thương đó cho họ, mà không phải về quân y viện. Họ từ chối đi quân y viện, xin ở lại để tôi giúp họ. Tôi cùng sĩ quan trợ y, bốn y tá làm việc trong hơn giờ mới xong. Tôi hỏi Cẩn:
-Tôi tưởng, thương binh được về quân y viện chữa trị, nghỉ ngơi thì là đều họ mong muốn mới phải. Tại sao họ muốn ở lại?
-Bọn cọp nhà này vẫn vậy. Chúng tôi sống với nhau, kề cận cái chết với nhau, thì xa nhau là đều buồn khổ vô cùng. Đấy chúng nó bị thương như vậy đấy, lát nữa anh sẽ thấy chúng chống gậy đi chơi nhông nhông ngoài phố, coi như bị kiến cắn.
Tôi đi một vòng thăm trận địa. Hơn hai trăm xác chết, mặc áo bà ba đen, quần đùi. Những xác chết đó, gương mặt còn non choẹt, đa số tuổi khoảng 15 đến 20, cái thì bị cháy đen, cái thì mất đầu, cũng có cái nằm chết trong hầm. Không biết, trong khi họ phơi xác ở đây, thì cha mẹ, anh em, vợ con họ có biết không?
Sau trận đó thì cẩn được thăng cấp Đại úy. Cuối năm 1966, Cẩn từ biệt Tiểu đoàn 42 BĐQ đi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 33 (Sư đoàn 21). Việc đầu tiên của Cẩn khi làm Tiểu đoàn trưởng làxin Sư đoàn cho tât cả các sĩ quan, hạ sĩ quan xuất thân trường TSQ về chiến đấu cùng với mình. Cẩn đã được thỏa mãn một phần yêu cầu. Tôi hỏi Cẩn:
-Anh đem các cựu TSQ về với mục đích gì?
-Một là để dễ sai. Tất cả bọn cựu TSQ này đều ra trường sau tôi. Chúng là đàn em, dù tôi không phải là cấp trên của chúng nó, mà chúng nó lộn xộn, tôi vẫn hèo vào đít chúng nó được. Nay tôi muốn chúng nó về với tôi, để tôi có thể dạy dỗ chúng nó những gì mà quân trường không dạy. Hai là, truyền thống của tôi khi ra trận thì chết là chết chứ không lùi, vì vậy cần phải có một số người giống mình, thì đánh nhau mới đã. Bọn cựu TSQ đều như tôi cả.
Suốt năm 1967, Cẩn với Tiểu đoàn 1/33 tung hoành trên khắp lãnh thổ năm tỉnh Hậu Giang, khi Đại Ngãi, khi Tắc Vân, khi Kiên Hưng, khi Thác Lác , khi Cờ Đỏ. Sau trận tổng công kích Mậu Thân, Cẩn được thăng Thiếu tá. Năm 1968, Cẩn là người có nhiều huy chương nhất quân đội. Thời gian này tôi bắt đầu viết lịch sử tiểu thuyết, nên tôi đọc rất kỹ Lục Thao, Tam Lược, Tôn Ngô Binh Pháp, cùng binh pháp của các danh tướng Đức, Pháp, nhất là của các tướng Hồng quân. Tôi dùng kiến thức quân sự trong sách vở để đánh giá những trận đánh của Cẩn từ 1966. Tôi bật ngửa ra rằng, Cẩn không hề đọc, cũng không hề được học tại trường sĩ quan những binh pháp đó. Sao từ cung cách chỉ huy, cung cách hành xử với cấp dưới, cấp trên, nhất là những trận đánh của Cẩn bàng bạc xuất hiện như những lý thuyết trong thư tịch cổ?
Năm 1970, Cẩn thăng Trung tá, rời Tiểu đoàn 1/33 đi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 15 thuôc Sư đoàn 9. Năm 1972, Cẩn được lệnh mang Trung đoàn 15 từ miền Tây lên giải phóng An Lộc. Cuối năm 1973, Cẩn được trở về chiến trường sình lầy với chức vụ Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng Chương Thiện. Lần cuối cùng tôi gặp Cẩn vào mùa hè năm 1974 tại Chương Thiện. Tôi hỏi Cẩn:
- Anh từng là Trung đoàn trưởng, hiện làm Tỉnh trưởng. Anh có nghĩ rằng sau này sẽ làm Sư đoàn trưởng không?
- Tôi lặn lội suốt mười bốn năm qua, gối chưa mỏi, nhưng kiến thức có hạn. Được chỉ huy Trung đoàn là cao rồi. Mình phải biết liêm sỉ chứ, coi Sư đoàn sao được.
- Thế anh nghĩ sau này anh sẽ làm gì?
- Làm Tỉnh trưởng bất quá một hai năm nữa rồi tôi phải ra đi, cho đàn em họ có chỗ tiến thân. Bấy giờ tôi xin về coi trường TSQ, hoặc coi các lớp huấn luyện Đại đội trưởng, đem kinh ngiệm thu nhặt được trong mười mấy năm qua dạy đàn em. Tôi sẽ thuật trước sau hơn ba trăm trận đánh mà tôi trải qua, nhờ anh viết lại. Bộ sách đó, anh nghĩ nên đặt tên là gì?
- "Cẩm nang của các đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng trong chiến tranh chống du kích tại vùng đồng lầy". Nhưng liệu Bộ Quốc Phòng có cho phép in hay không?
- Không cho in thì mình cũng cứ thuật, rồi đem giảng dạy, ai cấm được?
Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng của tôi với Cẩn.
Sau khi miền Nam mất, tôi không được tin tức của Cẩn. Mãi năm 1976, tôi được tin: Ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi tên tướng mặt bánh đúc Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, Cẩn chống lại lệnh đó. Các đơn vị VC tiến vào tiếp thu Tiểu khu Chương Thiện, thì gặp sức kháng cự, chết rất nhiều. Cẩn bị bắt, rồi đem ra xử tử. (3)
Khi tôi gặp Cẩn, thì tôi chưa khởi công viết lịch sử tiểu thuyết. Thành ra cuộc đời Cẩn, cuộc đời các cựu TSQ quanh Cẩn, in vào tâm não tôi rất sâu, rất đẹp. Vì vậy sang năm 1968, khi bắt đầu viết, thì bao giờ cũng khởi đầu bằng thời thơ ấu của những nhân vật chính. Trong bộ nào cũng có những thiếu niên, khi ra trận chỉ tiến lên hoặc chết chứ không lùi.
Có rất nhiều người đặt câu hỏi: Giữa tôi và Cẩn như hai thái cực. Cẩn chỉ học đến đệ Lục, tôi được học ở nhà, ở trường đến trình độ cao nhất. Cẩn là người Nam, tôi là người Bắc. Cẩn theo đạo Chúa. Tôi là cư sĩ Phật giáo. Tôi thì sống trong sách vở, hay đi trên mây. Cần thì lăn lộn với thực tế. Tôi không biết uống rượu. Cẩn thì nổi danh tửu lượng cao nhất Sư đoàn 21 Bộ binh. Tôi thấy người đẹp là tay chân run lẩy bẩy. Cẩn thì rưng rưng. Thế mà khi gặp nhau, chúng tôi thân với nhau ngay. Thân đến độ giải bày cho nhau tất cả những tâm sự thầm kín nhất, không một người thứ nhì biết được. Tại sao? Cho đến nay, tôi mới trả lời được rằng: Cẩn cũng như những người quanh Cẩn, là những hình bóng thực, rất quen thuộc mà trước kia tôi chỉ thấy trong lịch sử. Nay được gặp trong thực tế.
Hai mươi mốt năm qua, đúng 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4, dù ở bất cứ nơi nào tôi cũng mua bó hoa, đèn cầy vào nhà thờ đốt nến, đặt hoa dưới tượng Đức Mẹ và cầu xin cho linh hồn Cẩn được an lành trong vòng tay Người.
Viết tại Paris, ngày 30 tháng 4 năm 1996
Yên Tử Cư Sĩ
TRẦN ĐẠI SỸ
(1) Ông Hùng bấy giờ mới đỗ Tú tài. Trong thời gian dạy ở trường TSQ, ông tự học đỗ Cử nhân Luật. Sau khi đỗ Cử nhân Luật, ông được bổ làm thẩm phán ở Tuy Hòa, rồi Bộ trưởng Lao động.
(2) Tôi xếp theo thứ tự ABC. Trong năm người thì Kiệt tuẩn quốc năm 1967. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 Hưng tự tử, Cẩn bị xử bắn, còn Huy với Trổ tôi không biết sau ra sao? Lời trang BĐQVN:
Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt, trong trận đánh vào mật khu Thất Sơn, mặc dù bị thương nặng (3 viên đạn vào bụng), nhưng ông vẫn tiếp tục đưa quân vào. trước đó TĐ43 đã bị Không quân Thả bom Napal lầm đa số bị thương phải rút ra bên ngoài. nhưng ông Tướng chỉ huy (bay trên trực thăng không biết, không thấy và không nghe những tiếng rên xiết của binh sĩ (Ông tướng NVM này hiện đang ở Hoa Kỳ chúng tôi không muốn nhắc lại chuyện cũ, nhưng cái chết của Lưu Trọng Kiệt chính là cái lệnh xuẩn động này. Vì tự ái của người lính BĐQ Kiệt đã lao trở lại chiến trường thay vì chờ trực thăng về quân y viện và anh đã hi sinh. Rất nhiều binh sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan đã khóc nức nở bên xác Kiệt. Ông tướng đứng lặng người và sau đó cũng rời vùng 4 để nhận một chức vụ cao hơn lỗi lầm của mình.
Cố Thiếu Tướng Lê văn Hưng, người hùng của An Lộc và đã sát cánh với BĐQ trong suốt Mùa Hè Đỏ Lửa. Trang BDQVN cũng hân hạnh giới thiệu bài viết về Thiếu Tướng Lê Văn Hưng cũng trong trang Vị Quốc Vong Thân này.
Đại tá Nguyễn Văn Huy bị đi tù sau 1975 hiện cư ngụ tại Westminster, California. Cựu Đại tá Huy là sĩ quan đầu tiên của khóa 16/VBĐL được đeo lon Đại tá. Ông người ốm nhỏ con, nhưng đánh giặc rất chì, nổi danh sử dụng Trực Thăng Vận rất hiệu quảvà lối đánh thần tốc. Sau là liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 1 BĐQ. Chức vụ cuối cùng của ông cũng là Tỉnh trưởng tại miền Tây (Chúng tôi không nhớ rõ). (3) Tại Saigon 10 giờ bẩy phút, tiếng súng kháng cự tại các đơn vị Dù chấm dứt. Tại Bộ chỉ huy Chương Thiện kéo dài tới 15 giờ. Trong khi đó, tiếng súng kháng cự của các TSQ vẫn còn kéo dài tới 19 giờ 45 phút tại Vũng Tầu. Nếu tôi không lầm thì các TSQ là những người chiến đấu cuối cùng của miền Nam. (Trích VNTP) Xem bài Thiếu Sinh Quân vàtrận đánh cuối cùng cũng trên trang website BDQVN, mục Chiến Sử QLVNCH